Mọi điều mẹ cần biết về vấn đề đi tiêu của bé

Trẻ sơ sinh nên đi tiêu bao nhiêu lần một ngày là đủ và out put của bé trông như thế nào là bình thường? Hầu hết các cặp đôi lần đầu làm cha mẹ đều không có thông tin về vấn đề này và thường khá ngạc nhiên khi lần đầu nhìn thấy phân của con mình. Phân trẻ sơ sinh có rất nhiều hình thái và màu sắc khác nhau, nhiều tới mức ngay cả những bậc cha mẹ đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh cũng không thể nhìn thấy hết.

Bài viết lần này chúng tôi sẽ cho các bạn thấy tất cả các hình thái phân khác nhau của trẻ sơ sinh và giải thích hình thái nào là bình thường và những cái nào là không trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh. Hi vọng sau bài này các mẹ sẽ không còn cảm thấy băn khoăn hay lo lắng sau mỗi lần thay tã cho con.

Tần suất đi tiêu

Mỗi trẻ có tần suất đi tiêu khác nhau, có những trẻ sau mỗi lần ăn đều đi tiêu nhưng cũng có những trẻ một ngày thậm chí một tuần chỉ đi tiêu một đến hai lần. Dù đi thường xuyên hay không nếu bạn vẫn thấy phân ở dạng mềm thì bạn không cần phải lo lắng. Chỉ khi bạn thấy bé có vẻ khó khăn mới có thể đi tiêu, phân cứng và khô thì lúc này em bé của bạn dường như bị táo bón và bé cần sự trợ giúp để đi tiêu dễ dàng hơn.

Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn thường đi tiêu sau mỗi lần ăn (khoảng 6 tới 10 lần một ngày), sau 3 tới 6 tuần đầu trẻ sẽ đi tiêu ít hơn.

Tóm lại, bạn không cần lo lắng khi phân của trẻ sơ sinh khá giống với những lần thay tã trước. Chỉ khi có sự thay đổi đột ngột về hình thái và màu sắc kèm theo việc bạn thấy em bé của mình khó chịu, không thoải mái, cáu gắt thì lúc này bạn nên đưa bé tới bác sĩ.

Mọi điều mẹ cần biết về vấn đề đi tiêu của bé
Trẻ đi tiêu từ 6 – 10 lần một ngày tùy thuộc vào tần xuất ăn

Phân su

Phân của trẻ những ngày đầu mới sinh thường có màu xanh đen, rất dính tròn nhỏ như đồng xu gọi là phân su. Phân su là chất thải từ nước ối, chất nhờn, tế bào da và thức ăn lúc bé còn trong bụng mẹ. Nó không có mùi nên rất khó để bạn phát hiện ra lúc nào bé đi tiêu để thay tã cho bé.

Khi bé được 2-4 ngày tuổi, phân của bé sẽ nhạt màu hơn màu của phân su và ít dính hơn. Dạng phân chuyển tiếp này là một dấu hiệu cho thấy em bé của bạn đã bắt đầu tiêu hóa được sữa và hệ tiêu hóa của bé bình thường.

Phân của trẻ bú mẹ khỏe mạnh

Nếu bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn, phân của bé sẽ có màu vàng hoặc hơi xanh, phân mềm. Phân của trẻ bú mẹ rất dễ khiến các mẹ nhầm lẫn với chứng tiêu chảy vì nó lỏng hơn phân trẻ bú sữa công thức. Chúng có dạng và màu sắc như thể mù tạt Dijon và phô mai trộn lẫn với nhau, đôi khi lơn cợn những hạt nhỏ. Dân gian gọi dạng phân này của trẻ là hoa cà hoa cải.

Phân của trẻ bú mẹ có nhiều hình thái và màu sắc hơn là phân của trẻ bú sữa công thức. Thỉnh thoảng thay vì hoa cà hoa cải vàng bạn sẽ thấy một màu xanh trong tã của bé. Nếu trẻ vẫn ăn ngủ bình thường và không có bất kỳ biểu hiện khác thường nào khác thì bạn không cần phải lo lắng.

Phân của trẻ bú mẹ không đủ dinh dưỡng

Nếu bạn nhìn thấy màu xanh lá cây và có bọt trong tã của bé, dường như em bé của bạn đã bú quá nhiều sữa đầu thay vì sữa sau giàu dinh dưỡng. Hãy cố gắng cho bé bú hết một bên ngực rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo bé bú được toàn bộ sữa sau giàu chất béo và dinh dưỡng.

Phân của trẻ bú sữa công thức khỏe mạnh

Trẻ sơ sinh bú sữa công thức sẽ có phân dạng nhão, phổ biến là màu nâu, vàng nâu hoặc xanh nâu, và có mùi. Phân của trẻ ăn sữa công thức đặc hơn so với trẻ bú mẹ và mềm hơn so với trẻ bắt đầu ăn thức ăn dạng rắn.

Phân của trẻ được bổ sung thêm sắt

Nếu bạn bổ sung thêm cho bé chất sắt, phân của bé sẽ chuyển sang màu xanh đậm hoặc màu gần như đen. Không phải trẻ bổ sung thêm sắt thì lần nào đi tiêu cũng đi dạng phân này nhưng sự thay đổi này là hoàn toàn bình thường và mẹ không cần lo lắng.

1-Mọi điều mẹ cần biết về vấn đề đi tiêu của bé
Phân của bé sẽ có màu khác nhau tùy thuộc vào loại sữa mẹ cho bé ăn

Trong trường hợp phân của bé đột nhiên chuyển đen trong khi bạn không bổ sung thêm sắt cho bé, hãy đưa bé tới bác sĩ ngay để chắc chắn nguyên nhân khiến chuyển màu phân không phải do máu.

Phân của trẻ bắt đầu ăn thực phẩm ngoài sữa

Một khi bạn bắt đầu cho bé ăn dặm ví dụ như bột ngũ cốc hay chuối nghiền, bạn sẽ ngay lập tức thấy được sự thay đổi ở tã của trẻ. Phân của trẻ bắt đầu ăn dặm thường có màu nâu hoặc nâu đậm, đặc hơn phân của trẻ uống sữa công thức nhưng vẫn ở thể mềm. Khi trẻ bắt đầu ăn những thực phẩm ngoài sữa mẹ phân của trẻ sẽ nặng mùi hơn

Phân lẫn thức ăn chưa tiêu hóa hết

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm đôi khi bạn sẽ thấy lợn cợn thực phẩm mà bé không tiêu hóa hết được lẫn trong tã bỉm. Hiện tượng này là bình thường ở các trẻ giai đoạn này và bạn hoàn toàn không cần lo lắng gì cả. Nguyên nhân của hiện tượng này là do một phần thực phẩm bé ăn không tiêu hóa được đi thẳng qua ruột. Bé ăn nhiều loại thực phẩm hoặc nuốt một miếng thực phẩm lớn mà không nhai rất dễ đi tiêu ra phân dạng này.

Bạn cần tìm tới bác sĩ khi trẻ đi ngoài hoàn toàn là phân sống. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem mức độ hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng của bộ máy tiêu hóa ở bé có bình thường không.

Bệnh tiêu chảy

Nếu trẻ bị tiêu chảy trẻ sẽ đi phân rất lỏng. Đi nhiều lần hơn mọi ngày. Phân có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu và phun mạnh ra từ hậu môn.

Tiêu chảy là một dấu hiệu của nhiễm khuẩn hoặc dị ứng. Nếu để tình trạng tiêu chảy kéo dài trong một thời gian mà không điều trị trẻ sẽ bị mất nước trầm trọng dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khác. Hãy đem con bạn tới gặp bác sĩ khi bé dưới 3 tháng tuổi đi tiêu liên tục đầy hai hoặc 3 tã, hay trẻ liên tục tiêu chảy suốt 1 hoặc hai ngày.

Bạn cần tìm tới bác sĩ ngay khi phát hiện ra máu hoặc chất nhầy lẫn trong phân của trẻ trong lúc trẻ đang bị tiêu chảy.

2-Mọi điều mẹ cần biết về vấn đề đi tiêu của bé
Các bệnh tiêu hóa mà bé có thể gặp phải là: Táo bón, tiêu chảy, phân lẫn máu

Táo bón

Nếu bạn nhìn thấy bé rất khó khăn khi đi tiêu, phân của trẻ chỉ nhỏ như đá cuội và cứng thì trẻ đang gặp tình trạng táo bón. Bạn cũng có thể thấy bé rất khó chịu trong lúc đi tiêu, thậm trí có máu lẫn với cục phân.

Trẻ bị táo bón trong một hoặc hai lần đi tiêu thì mẹ cũng không cần quá lo lắng, nhưng nếu bé đi táo ba lần trở lên hoặc ngay khi thấy máu ở hậu môn bạn nên tìm tới bác sĩ càng sớm càng tốt. Táo bón thường xảy ra với trẻ mới bắt đầu ăn dặm, đây cũng có thể là dấu hiệu của sự nhạy cảm với protein trong sữa đậu nành hay cơ thể bé không chấp nhận một thành phần dinh dưỡng nào đó trong sữa mẹ hoặc sữa bột. Bác sĩ khuyến nghị các mẹ nên cho bé uống nhiều nước để cải thiện chứng táo bón, nước ép quả lê hay mận cũng là một phương án đơn giản và hữu dụng trong trường hợp này.

Phân lẫn máu: màu máu đỏ tươi

Trong phân của bé có lẫn máu là dấu hiệu của nhiều lý do. Hãy đưa bé tới bác sĩ ngay khi bạn nhận thấy

  • Phân bình thường có xuất hiện máu đỏ tươi, đây thường là dấu hiệu của dị ứng với protein trong sữa
  • Phân dạng táo bón dính chút máu đỏ tưởi, đây có thể là máu từ vết rách ở hậu môn khi bé phải thải phân quá cứng ra ngoài
  • Phân tiêu chảy có lẫn máu đỏ, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn

Phân lẫn máu: màu máu thẫm

Đôi khi bạn nhìn thấy trong phân của bé lẫn những đốm máu đen điều này có nghĩa máu đã đi qua hệ tiêu hóa. Có khả năng bé nuốt máu từ vết nứt ở đầu ti mẹ trong lúc bú.

Nếu đúng đầu ti của bạn đang có vấn đề thì hiện tượng này không gây hại gì cho bé. Tuy nhiên, nếu mọi thứ bé tiếp xúc đều bình thường mà bạn thấy phân bé lẫn máu đen thì bạn nên đưa bé tới bác sĩ để kiểm tra, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng như chảy máu đường ruột phía trên của bé

Phân biểu hiện bé đang bệnh

Một quy ước chung đó là khi bạn thấy sự bất thường trong phân của bé hãy gọi hỏi bác sĩ để có câu trả lời chính xác. Thật may mắn hầu như đa phần sự bất thường mà bạn gặp phải đều không đáng lo ngại. Những dạng phân báo hiệu vấn đề nghiêm trọng ở bé như sau:

  • Phân cứng, sẫm màu như phân su nhưng ít dính và cứng hơn phân su
  • Phân có lẫn cục máu đỏ, đây là dấu hiệu của một vấn đề đường ruột nghiêm trọng
  • Phân có màu nhờ nhờ, trắng đục là dấu hiệu của vấn đề liên quan tới gan và túi mật

Những trường hợp này rất hiếm khi xuất hiện nhưng ngay khi bạn nhìn thấy hãy đưa bé tới bác sĩ ngay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *