Tầm quan trọng của giấc ngủ với sức khỏe của trẻ

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em là một trong những vấn đề thường gặp nhất khiến các bậc cha mẹ đau đầu. Có khoảng 50% trẻ sơ sinh và trẻ dưới tuổi đi học gặp phải các rối loạn về giấc ngủ, và gần 40% trẻ em trên sáu tuổi và trẻ vị thành niên gặp vấn đề tương tự.

Giấc ngủ vô cùng cần thiết cho sức khỏe của trẻ. Hẳn bạn đã biết mọi thứ sẽ ra sao nếu ngủ không ngon giấc – chúng ta dễ bực bội, dễ bị phân tâm, khó tập trung học hành hoặc làm việc, cả ngày chỉ thấy mỏi mệt, và những chuyện đơn giản cũng trở nên khó thực hiên. Thiếu ngủ làm ảnh hưởng đến khả năng phản xạ và ứng phó với các tình huống trong cuộc sống, cũng tương tự như tác động của rượu lên cơ thể con người vậy. So sánh như vậy để thấy, lái xe về nhà sau ca trực đêm mệt mỏi cũng nguy hiểm như việc lái xe khi say xỉn.

Tầm quan trọng của giấc ngủ với sức khỏe của trẻ

Trong khi ta ngủ, não bộ và cơ thể được nghi ngơi, tái tạo và phát triển. Đó còn là thời gian để các tế bào thần kinh “sắp xếp” lại những gì chúng đã học trong suốt một ngày, giống như bạn thực hiện thao tác dọn dẹp và sắp xếp lại ổ cứng máy vi tính. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có giấc ngủ ngon sẽ lớn nhanh và phát triển tốt hơn các trẻ khác. Các vận động viên, đặc biệt là vận dộng viên thể hình, cực kỳ chú trọng đến giấc ngủ, bởi đó là thời gian các tế bào cơ bắp của họ phát triển.

Bạn hãy hình dung trẻ sẽ cảm thấy thế nào khi thiếu ngủ, nhất là các em ở độ tuổi đến trường. Một ngày dài ở trường, các em không sao hiểu được bài giảng, không nhớ bài, không thể tập trung làm bài, chỉ vì tối qua không ngủ đủ giấc.

Chứng thiếu ngủ kinh niên khiến học lực của trẻ sa sút, đồng thời nó còn có thể khiến trẻ trở nên dễ bực tức, tăng động. Trên thực tế, khoảng 30% trẻ bị ADHD (hội chứng tăng động giảm chú ý) cũng bị rối loạn giấc ngủ. Thiếu ngủ còn khiến trẻ vị thành niên rơi vào trầm cảm.

Trẻ sơ sinh nếu không được ngủ đủ giấc và thường xuyên quấy khóc sẽ gây phản ứng dây chuyền cho toàn bộ các thành viên trong gia đình. Trẻ không ngủ, cha mẹ cũng không thể ngủ được, đặc biệt, bà mẹ có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc chứ trầm cảm sau sinh.

Vậy trẻ cần ngủ bao nhiêu giờ là đủ?

Vậy trẻ cần ngủ bao nhiêu giờ là đủ?

Nhóm đối tượng Lứa tuổi Tổng thời gian ngủ trong ngày
Nhũ nhi 0 – 3 tháng tuổi 16 – 18 tiếng
Trẻ nhỏ 3 – 12 tháng tuổi 14 – 15 tiếng
Lứa nhà trẻ 1 – 3 tuổi 12 – 14 tiếng
Lứa mẫu giáo 3 – 5 tuổi 11 – 13 tiếng
Tuổi đi học 5 – 12 tuổi 10 – 11 tiếng
Thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi 8 – 10 tiếng

Nhu cầu ngủ thay đổi theo từng độ tuổi. Trẻ sơ sinh có chu kỳ giấc ngủ ngắn nên các em cần ngủ nhiều lần trong một ngày. Trẻ lớn lên, chu kỳ ngủ sẽ dài ra, nên tổng số giờ ngủ trong một ngày ngắn lại. Một chu kỳ ngủ của người lớn là 90 phút, nếu bạn giật mình thức giấc giữa chu kỳ, bạn sẽ có cảm giác hình như mình thiếu ngủ. Do đó, hãy tạo điều kiện cho cơ thể được ngủ hoàn tất một chu kỳ trước khi thức. Ví dụ: giấc ngủ kéo dài bảy tiếng rưỡi (tương đương 450 phút) sẽ gồm năm chu kỳ, mỗi chu kỳ 90 phút, khi thức giấc ở chu kỳ cuối cùng, cơ thể bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, dễ chịu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *