Ảnh hưởng của thừa cân với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?

Có một quan điểm khá phổ biến ở Việt Nam là trẻ béo là trẻ khỏe. Nhưng sự thực lại hoàn toàn khác. Thừa cân và béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh vốn chỉ gặp ở người lớn nhưng xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ nhỏ. Vì thế, trong bài này chúng ta cùng tìm hiểu về những ảnh hưởng của thừa cân với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào nhé!

Trẻ thừa cân có nguy cơ bị béo phì khi trưởng thành cao hơn hẳn. Do chúng đã học được những thói quen ăn uống không tốt, nghiện đồ ăn, theo thời gian, điều này rất khó thay đổi. Nghiện đồ ăn cũng khó vượt qua không kém gì nghiện thuốc lá hoặc nghiện rượu.

Ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng và đau bụng ở trẻ, có thể tạo ra các triệu chứng trầm trọng hơn như trào ngược dạ dày thực quản.

Những ảnh hưởng của thừa cân với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ béo phì phát triển các kỹ năng vận động chậm hơn so với trẻ khỏe mạnh. Thừa cân khiến trẻ gặp khó khăn khi di chuyển, lẫy, bò hoặc đứng lên.

Trẻ béo phì gặp phải nhiều vấn đề về hô hấp, và nếu chúng mắc chứng hen suyễn, bệnh tinh sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều.

Trẻ béo phì cũng dễ phải chịu đựng hội chứng ngưng thở khi ngủ (hội chứng gây ra do sự khó thở và ngáy, làm giảm lượng oxi và tăng lượng cacbonic trong máu khi ngủ). Chứng ngưng thở mãn tính khi ngủ có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của não bộ, tim, phổi, đến hành vi, khả năng học tập cũng như khả năng tập trung của trẻ. Những ảnh hưởng của chất lượng giấc ngủ kém cũng tương tự như khi thiếu ngủ, trẻ có thể trở nên cáu kỉnh, hiếu động thái quá và khó tập trung. Chúng cũng thường có xu hướng ngủ gật vào ban ngày. Những trẻ này thường học tập kém hơn những bạn khỏe mạnh cùng lớp khác.

Béo phì có thể dẫn đến tiểu đường, một căn bệnh đáng sợ có thể từ từ phá hủy mọi cơ quan trong cơ thể như: mạch máu, não, mắt, thận, tim, gan, xương khớp và da.

Chứng béo phì cũng liên quan đến căn bệnh xơ vữa động mạch. Đây là sự tổn thương trong mạch máu do nồng độ cholesterol và các triệu chứng viêm gây nên, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là tim và não bộ. Nó cản trở dòng máu đi đến các cơ quan quan trọng, gây ra tai biến mạch máu não hoặc những cơn đau tim. Theo đó, trẻ béo phì sẽ gặp phải những nguy cơ tổn thương não và tim cao hơn ngay cả khi còn trẻ. Đã có trường hợp xơ vữa động mạch xuất hiện ở trẻ béo phì mới hai tuổi!

Béo phì và thừa cân có thể gây ra chứng cao huyết áp ở trẻ

Béo phì và thừa cân có thể gây ra chứng cao huyết áp, căn bệnh tương tự như tiểu đường và xơ vữa động mạch. Nó phá hủy các mạch máu và ảnh hưởng tới những bộ phận quan trọng (bao gồm não, mắt, tim, thận). Đôi lúc, chúng ta có thể gặp những trường hợp trẻ mới năm tuổi đã mắc chứng cao huyết áp.

Những trẻ thừa cân sẽ gặp nhiều tổn thương và những cơn đau ở các khớp, đặc biệt là ở lưng dưới, hông, đầu gối và bàn chân, những khớp xương phải chịu sức nặng của cơ thể thừa cân. Trẻ béo phì có nguy cơ phát sinh chứng hoại tử vô mạch ở hông cao hơn. Đây là một căn bệnh hiếm, trong đó các mạch máu tới khớp xương hông bị tắc nghẽn khiến các khớp xương bị phá hủy và gây ra những cơn đau nhức. Khi mắc bệnh này, trẻ có thể bị tập tễnh hoặc tàn tật suốt đời.

Những trẻ em và người lớn thừa cân cũng dễ mắc phải chứng bệnh gan nhiễm mỡ. Sau nhiều năm càng ngày càng có nhiều chất cholesterol tích tụ trong các tế bào gan và từ từ phá hủy gan. Căn bệnh này có thể dẫn đến suy gan, xơ gan, và nhiều trường hợp gan không thể hoạt động được, bệnh nhân sẽ phải ghép gan.

Béo phì cũng có thể gây ra những tổn thương tâm lý ở trẻ. Những trẻ em béo phì có thể bị bạn bè giễu cợt và bắt nạt vì quá trẻo và chậm chạp. Chúng sẽ không được chọn vào chơi trong các trò chơi đồng đội như bóng đá, bóng rổ,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *