Bí quyết đảm bảo bữa ăn hợp lý và vui vẻ cho trẻ – tiếp

Trong phần trước, các mẹ đã cùng tìm hiểu một số bí quyết nhỏ giúp các con ăn tốt hơn, chẳng hạn như: đảm bảo mỗi bữa ăn là một trải nghiệm vui vẻ của trẻ, đừng buộc con phải ăn hết những gì bạn dọn ra và chớ phạt con nếu trẻ không muốn ăn, bữa ăn không nén kéo dài quá 30 phút… Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu tiếp các bí quyết để đảm bảo bữa ăn hợp lý và vui vẻ cho trẻ nhé!

Xem thêm: Bí quyết đảm bảo bữa ăn hợp lý và vui vẻ cho trẻ – Phần 1

Đừng làm trẻ phân tâm khi ăn

Rất nhiều ông bố bà mẹ đang áp dụng cách này. Họ làm trẻ phân tâm bằng một món đồ chơi, làm trò vui, mở ti vi lên, và khi trẻ không để ý, họ tranh thủ đút muỗng thức ăn vào miệng trẻ. Một thói quen xấu khác là rượt theo một đứa trẻ đang chơi để dụ con ăn thêm một miếng nữa hoặc bú thêm một chút nữa. Bị đối xử như vậy, trẻ con cũng cảm thấy rất bực bội. Các bậc phụ huynh cần loại bỏ ngay những thói quen này. Trẻ ghét thực phẩm, ghét ăn chính là “cái giá” bạn phải trả cho một muỗng thức ăn mà bạn cố nài.

Hãy tắt ti vi, không cho phép trẻ chơi đồ chơi hoặc đọc sách báo khi ăn

Hãy tắt ti vi, không cho phép trẻ chơi đồ chơi hoặc đọc sách báo khi ăn

Quy tắc này còn áp dụng cả với các bậc phụ huynh. Bạn không thể rèn nề nếp cho con nếu bạn chưa là một tấm gương sáng.

Xúc ra đĩa một lượng thức ăn họp lý mà bạn nghĩ vừa sức con

Rất nhiều phụ huynh mong con mình ăn nhiều hơn khả năng thật sự của trẻ. Đôi khi, quá nhiều đồ ăn trước mặt sẽ khiến trẻ hoảng sợ. Nếu bạn chỉ lấy ra đĩa một chút thức ăn, trẻ sẽ vui vẻ ăn hết và cảm thấy mình thật giỏi, thậm chí trẻ còn đòi ăn thêm!

Nếu trẻ khăng khăng không ăn bữa chính, bạn hãy đợi một lát, sau đó tìm cho con món ăn nhẹ giàu dinh dưỡng khác. Một món nhấm nháp nhiều dưỡng chất có thể là trái cây, đồ ăn vặt, một miếng bánh mì nhỏ hoặc bánh bích quy dành riêng cho trẻ nhỏ.

Tuy nhien, bạn cũng cần lưu ý, không được đầu hàng trước những yêu sách của trẻ. Đừng thường cho con bữa ăn nhẹ vì đã nói không với bữa chính. Khi trẻ chê đồ ăn, nếu cha mẹ nhanh chóng bỏ cuộc và đi pha cho con bình sữa, hoặc cho con loại đồ trẻ thích thì chỉ càng khuyến khích thêm thói quen bỏ ăn cho trẻ. Trẻ con có thể điểu khiển cha mẹ làm theo ý chúng, đơn giản chỉ bằng cách lắc đầu nói không ăn.

Đừng cho ăn khi trẻ đang ngủ

Lại là một thói quen vừa xấu, vừa nguy hiểm, nhưng các bậc phụ huynh vẫn thường mắc phải.

Lý do thứ nhất: khi trẻ ngủ tức là trẻ không đói, và bạn không bao giờ được ép con ăn khi con không đói.

Lý do thứ hai: Giấc ngủ cực kỳ quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ em. Rất nhiều loại kích thích tố, trong đó có kích thích tố tăng trưởng được tiết ra trong giấc ngủ. Cho trẻ ăn lúc này tức là bạn đang làm rối loạn giấc ngủ khỏe mạnh của con.

Đừng cho ăn khi trẻ đang ngủ

Một vấn đề khác cần được nói đến, đó là nguy cơ gây ngạt thở. Khi trẻ đang ngủ, cơ chế tự bảo vệ đường thở của trẻ bị yếu đi, cho trẻ ăn lúc này có thể gây sặc, hoặc khiến trẻ hít thức ăn vào phổi.

Hãy để trẻ tự ăn một mình

Đa số phụ huynh không dám để con tự ăn vì nhiều lý do: sợ trẻ ăn ít, sợ trẻ không ngon miệng, sợ trẻ không thích đồ ăn hoặc làm rơi vãi lung tung…

Trẻ em cần được học tính độc lập — đây là yếu tố quan trọng của sự phát triển. Trẻ 10 tháng tuổi đã có thể tự ăn một mình (ban đầu trẻ bốc tay, rồi dần dần học cách dùng muỗng). Trẻ thích cảm giác tự xúc thức ăn vào miệng hơn là ngồi yên cho người lớn đút.

Điều cần ghi nhớ:

Những quy tắc trên cực kỳ hiệu nghiệm, nhưng chúng chỉ phát huy tác dụng nếu tất cả những người có liên quan đến việc chăm sóc trẻ nhất trí làm theo. Chỉ cần vài ngày hoặc vài tuần “uốn nắn” là con có thể dẹp bỏ các thói quen xấu và bắt nhịp với thói quen tốt. Chỉ cần cha mẹ chịu khó, kiên nhẫn “làm đúng quy định” trong thời gian dài, phần thưởng dành cho bạn chính là đứa con có thói quen ăn uống đúng đắn, lành mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *