Tại sao trẻ sơ sinh hay nôn trớ

Tại sao trẻ hay bị nôn trớ?

Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, theo khảo sát gần 50% trẻ sơ sinh rất hay nôn trớ, thời điểm trẻ hay nôn trớ nhất là giai đoạn dưới 4 tháng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Khi bé nuốt không khí cùng với sữa mẹ hoặc sữa công thức, không khí bị kẹt bên trong chất lỏng gặp tác động nhỏ như trẻ trở mình, vặn mình hay khi mẹ thay đổi tư thế của trẻ sẽ thoát ra ngoài kèm theo cả một lượng thức ăn ra đằng miệng và đôi khi là cả mũi.

Có những trẻ sơ sinh rất háu ăn, trẻ ăn nhiều hơn cả lượng thức ăn mà dạ dày có thể chứa được, hoặc có nhiều mẹ luôn ép con ăn khiến trẻ bị no quá dẫn tới nôn trớ.

Thêm vào nữa do hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh phát triển chưa hoàn thiện. Các cơ ở dưới cùng của thực quản đóng vai trò van đóng mở ngăn cách giữa dạ dày và thực quản làm việc chưa hiệu quả làm cho thức ăn ở dạ dày rất dễ trào lên thực quản.

Tại sao trẻ hay bị nôn trớ?
50% trẻ thường hay nôn trớ trong thời gian dưới 4 tháng tuổi

Các cách làm giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh

Bạn có thể thử những cách dưới đây để giảm tối thiểu tình trạng nôn trớ của con

  • Giữ thẳng bé đúng tư thế khi ăn. Bé bú trong tư thế cong mình hoặc ngồi gập sẽ khiến lượng thức ăn không thể chảy thẳng xuống dạ dày dễ gây trào ngược ra đằng miệng hoặc đằng mũi.
  • Cho bé ăn từ từ, giảm thiểu tiếng ồn hoặc những thứ khiến bé mất tập trung trong ăn uống và cố gắng đừng để bé quá đói rồi mới cho ăn. Nếu bé không hoàn toàn tập trung trong lúc ăn rất có thể bé sẽ nuốt cả không khí cùng với sữa mẹ và sữa công thức.
  • Nếu bạn cho bé bú bình hãy chú ý tới việc lựa chọn kiểu dáng núm ti thật kỹ càng. Lỗ ra sữa trên núm ti không được quá nhỏ cũng không được quá lớn. Nếu quá nhỏ trẻ mút mãi không được sữa sẽ cáu gắt và dễ nuốt cả không khí. Nếu quá lớn trẻ sẽ bị sặc gây nôn trớ vì sữa chảy quá nhanh. Bạn có thể đọc bài viết hướng dẫn cách chọn bình sữa và núm ti của chúng tôi
  • Giúp bé ợ hơi sau mỗi bữa ăn. Không cần phải đợi bé bú no hoàn toàn mới giúp bé ợ hơi, có một số bé có thói quen không bú một mạch cho đến no mà bú ngắt quãng, bạn có thể cho bé ợ hơi ở thời điểm ngắt quãng đó. Việc làm này giúp đẩy không khí lẫn trong thức ăn ra ngoài (nhớ đặt một chiếc khăn sữa lên vai rồi mới vỗ ợ hơi cho bé). Nếu vỗ mãi mà bé không ợ bạn cũng không cần phải lo lắng, có thể bé không cần ợ hơi trong lúc này.
  • Không tạo áp lực lên vùng bụng của bé. Không nên mặc quần áo hay quấn tã quá chặt cho trẻ sơ sinh đặc biệt là ở phần bụng. Bạn cũng không nên để bụng bé tì lên vai trong lúc vỗ ợ hơi
  • Không nên thay đổi tư thế của bé quá nhiều khi bé vừa ăn xong, đặc biệt bạn hãy cố gắng bế thẳng bé trong khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn càng tốt rồi mới đặt bé nằm xuống.
  • Đừng bắt bé ăn quá no. Nếu em bé của bạn sau mỗi lần cho ăn đều trớ ra một ít thì rất có thể bé đã ăn quá no. Lần sau bạn thử giảm lượng sữa đi một chút nếu mẹ cho bé uống sữa công thức hoặc giảm thời gian bú của bé nếu bé bú mẹ và theo dõi xem bé có vừa lòng không (có nhiều trẻ háu ăn sẽ không chấp nhận điều này)
  • Nếu bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn hãy thử hỏi bác sĩ xem chế độ ăn uống của bạn có ảnh hưởng gì không (đôi khi sữa bò mẹ uống là thủ phạm gây ra kích thích khiến trẻ dễ nôn trớ)
  • Nếu em bé của bạn thường trớ trong lúc ngủ, kê cao đầu của bé lên một chút. Sẽ là không an toàn khi cho trẻ sơ sinh nằm gối nhưng bạn vẫn có thể sử dụng gối chống trào ngược hoặc bạn kê cao phần nôi phía đầu của bé lên một chút cũng rất hiệu quả.
Các cách làm giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Cho bé bú từ từ, không gây tiếng động trong khi bú để giảm nôn trớ

Khi nào thì trẻ ngừng nôn trớ?

Khi các cơ ở phần dưới cùng của thực quản đóng van trò van ngăn cách giữa thực quản và dạ dày phát triển hoàn thiện thì việc nôn trớ của trẻ sẽ chấm dứt. Thông thường hiện tượng nôn trớ ở trẻ biến mất sau khi trẻ được 6 hoặc 7 tháng tuổi, một số ít tình trạng có thể kéo dài hơn nhưng muộn nhất là sau năm đầu tiên.

Nôn trớ khi nào là một dấu hiệu của bệnh lý?

Nôn trớ là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nhưng nó trở lên bất thường kèm theo việc bé không tăng cân đều. Những em bé nôn trớ nhiều, không tăng cân kèm theo khó thở có thể đã mắc chứng trào ngược dạ dày hay còn gọi là GERD.

Đưa bé tới bác sĩ ngay khi bạn thấy em bé của mình nôn liên tục và dữ dội. Đây có thể là dấu hiệu của chứng hẹp môn vị, trong đó các cơ ở dưới cùng của dạ dày dày lên và ngăn không cho thức ăn xuống ruột non. Bệnh thường xảy ra khi bé được 1 tháng tuổi.

Bạn cũng cần đưa bé tới cơ sở y tế ngay khi thấy bé nôn chất lỏng có màu xanh kèm theo trẻ khó chịu. Đây có thể là dấu hiệu của hiện tượng tắc nghẽn đường ruột. Lúc này trẻ cần được thăm khám bằng thiết bị y tế hiện đại và rất có thể trẻ sẽ phải phẫu thuật khẩn cấp.

Đọc thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *